NHU CẦU VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH THỜI TRANG TRẺ EM & ĐỒ ÁN THIẾT KẾ TRANG PHỤC TRẺ EM – KHOA DESIGN STU
- Nhu cầu và xu hướng phát triển ngành thiết kế trang phục trẻ em
Lý thuyết về nhu cầu do nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow (1908 – 1970) đã chỉ rõ những cấp bậc nhu cầu của con người. Theo đó, tuỳ vào điều kiện tự nhiên, xã hội, môi trường, hoàn cảnh và mức sống, nhu cầu của con người cũng tăng dần từ dưới lên theo hình tháp nhu cầu sau:
Đối với trẻ em, ngoài các yếu tố điều kiện nêu trên, sự phát triển về các cấp bậc nhu cầu còn tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển về mặt sinh lý cũng như tâm lý của các em. Ngoài ra, ở những độ tuổi chưa có được phát triển nhất định về thể chất và tinh thần như độ tuổi sơ sinh và nhũ nhi thì ngoài những nhu cầu cơ bản (nhu cầu thiết yếu, nhu cầu an toàn), việc lựa chọn các sản phẩm cho các em còn phụ thuộc vào mức nhu cầu của người nuôi dưỡng, giám hộ và người đưa ra quyết định lựa chọn trang phục cho độ tuổi này cũng là phụ huynh.
Tuy nhiên, dù cho đối tượng lựa chọn sản phẩm là phụ huynh hay chính bản thân đứa trẻ thì việc phân tích nhu cầu thực tế của chính bản thân người dùng để đưa ra các tiêu chí thiết kế từ cao đến thấp là rất cần thiết. Ví như ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi thì nhu cầu cao nhất vẫn là các nhu cầu ở mặt đáy hình tháp (nhu cầu bậc 1 và bậc 2). Do đó, các sản phẩm dành cho độ tuổi này phải đặt tiêu chí tiện dụng,antoàn lên hàng đầu, tiếp đó là các tiêu chí phù hợp với điều kiện, môi trường và văn hoá (bậc 3). Đối với bậc 4 và bậc 5 sẽ thể hiện ở các tiêu chí về tính thẩm mỹ, tính cá nhân của sản phẩm.
Với sự phát triển của mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá xã hội như ngày nay, thì việc các bậc phụ huynh sẵn sàng chi một khoảng tiền lớn cho việc đầu tư trang phục cho các con của mình là điều không mấy xa lạ, nhất là trong thời đại tỉ lệ sinh ngày càng giảm và mỗi gia đình có rất ít con. Chính vì vậy, ngành thời trang trẻ em cũng ngày càng phát triển, đặc biệt là những vùng, khu vực có mức sống cao. Nhiều thương hiệu thời trang cao cấp trước kia chỉ sản xuất và trình diễn những bộ sưu tập thời trang dành cho người lớn cũng dần khai thác thị trường thời trang trẻ em. Điển hình trong số đó có thể kể đến là các nhà mốt hàng đầu như Christian Dior, Dolce & Gabbana, Versace…
Theo đó, xu hướng phát triển của ngành thời trang trẻ em cũng không dừng lại ở việc tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của trẻ mà còn thể hiện rất rõ các phong cách, các đẳng cấp khác nhau. Và giá thành các sản phẩm thời trang dành cho trẻ em tuỳ vào các thương hiệu khác nhau cũng có sự chênh lệchnhất định. Ví như một sản phẩm chân vày đơn giản mặc thường ngày của hãng Versace cũng đã có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng Việt Nam.
Bên cạnh các nhà mốt lớn, các thương hiệu thời trang trẻ em lâu năm cũng đang ngày càng phát triển không ngừng như H&M, Gab, Zara …
Giá thành sản phẩm của các thương hiệu như Gap, H&M cũng tương đối “mềm” hơn các nhà mốt hàng đầu và giao động khoảng từ 100.000đ đến vài triệu đồng Việt Nam (Khoảng từ 5.00 USD? đến vài trăm USD)
Ở Việt Nam, nếu như từ năm 2000 trở về trước, các công ty may mặc dành cho trẻ em hầu như đều là những nơi gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới thì ngày nay nhiều thương hiệu thời trang dành cho trẻ em cũng đã ra đời và ngày càng phát triển. Nổi bật trong số đó có thể kể đến những thương hiệu như MDK, Children Smile (Một nhãn hiệu thời trang trẻ em của công ty thời trang Blue Exchange dành cho trẻ em từ 2 đến 12 tuổi), YF, … Giá thành các sản phẩm thời trang trong nước cũng tương đối cạnh tranh với các thương hiệu ngoại. Bên cạnh đó, kỹ thuật xử lý chất liệu, hoạ tiết cũng như tính xu hướng của các thiết kế trong nước cũng ngày càng được nâng cao và có thể sánh tầm cùng các nhãn hàng ngoại nhập.
Hằng Trần
(GV ngành Thiết kế thời trang, Khoa Design, STU)