Tổng quan

KHOA DESIGN TRÒN 15 TUỔI
ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

          GIỚI THIỆU

Được thành lập từ đầu năm 2007, Khoa Design được Nhà trường chú trọng đầu tư phát triển mạnh mẽ. Với tên gọi DESIGN – cách sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới dùng cho các Trường có nhóm ngành Thiết kế, cũng chính là mong muốn tạo sự khác biệt của những người chủ trì những ngày đầu thành lập Khoa.

 

 

Khi thế giới ngày càng phẳng, quá trình toàn cầu hóa kinh tế kéo theo quá trình toàn cầu hóa về mọi mặt đời sống xã hội. Một thế giới mới đi vào “luật chơi chung”, từ đó đặc thù công việc, giải pháp kết nối, hợp tác của con người được nâng lên một tầm cao mới. Lúc này, giá trị của sự khác biệt tạo cơ hội tồn tại và phát huy bản sắc riêng.
Với nỗ lực trở thành một trong những địa chỉ đào tạo ngành Thiết kế Công nghiệp có chất lượng và uy tín hàng đầu tại khu vực phía Nam, Khoa Design liên tục cập nhật các nội dung và phương pháp đào tạo mới nhất từ các nước tiên tiến, đồng thời Khoa có những điều chỉnh để bám sát nhu cầu thực tiễn. Hòa nhập cùng xu thế chung của thế giới hiện nay, triết lý ‘Thiết kế cho phát triển bền vững’ được STU lựa chọn là tiêu chí nền tảng để đào tạo các nhà thiết kế trẻ tương lai.

 

Song song với các kỹ năng chính trong chuyên môn của lĩnh vực Design, hệ thống các môn học được thiết kế nhằm rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng phong phú hỗ trợ cho quá trình làm việc thực tiễn như: kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, kỹ năng hoạch định, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sáng tác và kỹ năng khởi nghiệp.
Hiện nay, Khoa Design đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo với 04 chuyên ngành: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Tạo dáng sản phẩm công nghiệp và Thiết kế Thời trang.

 

          CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Không phân biệt môn học phụ, môn học chính, môn học sáng tạo hay môn học lý thuyết, với phương châm: Mỗi bài học là một tác phẩm – Mỗi môn học là một cơ hội nghề nghiệp”, sinh viên Khoa Design luôn được định hướng hoàn thiện mọi việc với sự nỗ lực cao nhất, qua đó sinh viên có thái độ tích cực và trân trọng hơn với công việc học tập, rèn luyện bản thân, tự đánh giá được sự tiến bộ của mình sau từng giai đoạn học tập. Giảng viên Khoa Design đa phần ngoài công việc giảng dạy tại Trường còn thường xuyên làm chuyên môn nghề, hoặc có doanh nghiệp riêng về thiết kế sản xuất – thi công, tham gia điều hành, thực hành nghề nghiệp; với phương châm trên cũng xác định được tầm quan trọng của việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trân trọng vai trò “trồng người” thiêng liêng và lan truyền lòng yêu nghề, thái độ làm nghề chuyên nghiệp đến với sinh viên qua từng bài học, từng môn học mà mình phụ trách.

Từ trái sang: 1. Tác phẩm: Con Gà Đông Hồ – Bài Đồ án của SV ngành Tạo dáng sản phẩm công nghiệp. 2. Sinh viên Khoa Design được giảng viên hướng dẫn thực hành môn Ảnh Studio. 3. Bài tập trang trí của SV năm 2 – môn Văn hóa và Phong cách trong Thiết kế nội thất.

Mục tiêu và nhiệm vụ của Khoa Design là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực thiết kế, đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường và môi trường thiết kế công nghiệp hiện đại của Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam. Chương trình đào tạo ngành Thiết kế công nghiệp tại Khoa Design theo hệ tín chỉ gồm các môn học Lý thuyết, các môn học cơ sở ngành, các kỳ thực tập xen kẽ giữa các học kì và hệ thống các đồ án chuyên ngành.
Hoàn thành các môn học cơ sở của học kì đầu tiên năm nhất, sinh viên sẽ tham gia buổi “Tư vấn chọn ngành” để được Ban chủ nhiệm Khoa, cùng các thầy cô chuyên ngành giới thiệu về ngành, giải đáp các thắc mắc về chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp và tư vấn chọn ngành học phù hợp. Lựa chọn đúng lĩnh vực yêu thích và sở trường là bước quan trọng mà mỗi sinh viên cần cân nhắc kỹ lưỡng tại thời điểm này.
Vào học kỳ hè của năm đầu tiên, sinh viên sẽ được đi thực tập dã ngoại một tuần trong chương trình Thực tập cơ sở tại các địa điểm có cảnh quan và công trình kiến trúc đẹp trong hoặc ngoài nước. Nghiên cứu thiên nhiên và những công trình kiến trúc nổi tiếng giúp sinh viên có những trải nghiệm thực tế giá trị. Đồng thời, dưới sự dẫn dắt của đội ngũ giảng viên tâm huyết và nhiều kinh nghiệm, sinh viên cũng được khám phá, học hỏi về các nét đẹp văn hóa, con người, sự khác biệt đầy thú vị giữa các vùng miền hay quốc gia.

Hình tập thể Giảng viên và hơn 200 sinh viên Khoa Design trong đợt thực tập cơ sở tại Đà lạt

Với thời gian đào tạo 4 năm cho chương trình đại học chính quy, kết hợp mục tiêu tăng tính thực tế chuyên ngành nhiều hơn, từ học kì 2 trở đi, các môn học được thiết kế theo từng nhóm ngành riêng biệt. Sinh viên sẽ được tách lớp và học theo từng nhóm chuyên ngành đã chọn như: Thiết kế Đồ họa, thiết kế Nội thất, thiết kế Tạo dáng sản phẩm công nghiệp và Thiết kế Thời trang. Từng bước, các môn học lý thuyết cơ sở và đồ án thực hành sẽ dẫn dắt sinh viên tiếp cận thế giới thiết kế chuyên nghiệp. Người học sẽ có dịp tự khám phá, rèn luyện và chứng tỏ khả năng sáng tạo của riêng mình.
Học kỳ 8 – học kì cuối cùng của hệ đại học chính quy cũng như ở học kì 3 của hệ liên thông đại học, sinh viên tự thể hiện năng lực của mình thông qua Đồ án Tốt nghiệp như một môn học đặc biệt. Sinh viên được chọn giảng viên hướng dẫn và thực hiện đồ án theo những đề tài mang tính thực tiễn, giải quyết tình huống thực tế nghề nghiệp với tư cách của một nhà thiết kế – designer; trình bày và bảo vệ đồ án trước Hội đồng chấm tốt nghiệp là những Phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên uy tín trong ngành, những nhà thiết kế chuyên nghiệp, hoặc những đại diện của các doanh nghiệp đầu ngành.

Sinh viên năm 4 chuyên ngành Thiết kế Đồ họa chuẩn bị bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, Khoa còn mở rộng phát triển mối quan hệ, liên kết chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp chuyên ngành như: HAWA: Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM, VDAS: Hiệp hội thiết kế Tp.HCM, Tạp chí ELLE Việt Nam, Tổng công ty Phong phú, Cty Cổ phần Gỗ An cường, Cty cổ phần G+ Furniture, Cty BLUM Việt Nam, Viện mẫu thời trang Fadin, Cty Sơn Toa Việt Nam… thường xuyên tạo điều kiện cho sinh viên tham quan showroom trải nghiệm sản phẩm mới, tham quan nhà máy và xưởng sản xuất, tìm hiểu quy trình sản xuất, phối kết hợp cho sinh viên thực hành và thực tập, đồng thời tham gia các cuộc thi thiết kế do các tổ chức chuyên ngành chủ trì, tăng tính cọ xát và trải nghiệm thực tế hoạt động nghề nghiệp cho sinh viên.

 

          CƠ SỞ VẬT CHẤT & HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN

Với đặc thù riêng của ngành Design: Học tập thông qua trải nghiệm, sinh viên được tiếp cận nhiều hơn các hoạt động thực tiễn nghề nghiệp, môi trường học tập tăng tính tương tác thực tế. Chính vì vậy, phương pháp đào tạo chuyên ngành của Khoa chủ yếu dựa trên nền tảng Phương pháp Studio: kết hợp những kiến thức cơ sở ngành, nghiên cứu lý luận, phương pháp luận sáng tạo để giải quyết các vấn đề xuất phát từ thực tiễn nhu cầu cuộc sống, thông qua hệ thống các Studio và Xưởng thực hành.
Mỗi chuyên ngành đào tạo của Khoa Design đều được Nhà trường đầu tư, nâng cấp và trang bị các dụng cụ, máy móc, công cụ thực hành tại các phòng học chuyên biệt, bao gồm Studio ảnh nghệ thuật, Studio Thời trang và xưởng thực hành may, Studio Nội thất và Đồ họa, Studio Tạo dáng sản phẩm, xưởng điêu khắc và xưởng gốm, xưởng vẽ hình họa. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các công nghệ mới, các vật liệu và các giải pháp xử lý vật liệu tiên tiến; thực hành thường xuyên các máy móc chuyên dụng, Khoa Design còn liên kết với một số doanh nghiệp lớn trong ngành, đưa sinh viên đến thực tập, học thực hành tại xưởng của đối tác, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia… nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu Dạy – Học – Thực hành của Giảng viên và sinh viên trong suốt chương trình đào tạo.

Hình trái: Sinh viên ngành Thiết kế Thời trang thực hành làm đồ án tại Studio C214. Hình phải: Sinh viên ngành Thiết kế nội thất khảo sát nghiên cứu thực tế tại Villa Thủ Đức trong đồ án thiết kế nội thất Nhà ở.

Từ thành công của triển lãm Gương – Triển lãm Mỹ thuật và Mỹ thuật ứng dụng lần thứ nhất năm 2018, Khoa Design đã chọn ngày 20/11 hàng năm để tổ chức Tuần lễ Gương, trưng bày các tác phẩm của tập thể Giảng viên cơ  hữu và thỉnh giảng, các bài tập, bài đồ án xuất sắc của sinh viên Khoa Design, nhằm tôn vinh và giới thiệu thành quả sau một năm phấn đấu của tập thể Khoa Design đến đông đảo bạn bè là khách mời trường bạn, đại diện doanh nghiệp và đơn vị hợp tác, đồng nghiệp, các Thầy cô và sinh viên STU.

Hình trái: TS Trương Quang Mùi – Chủ tịch Hội đồng quản trị, PGS.TS Cao Hào Thi – Hiệu trưởng nhà trường cùng cắt băng khai mạc Triển lãm Gương lần 1 – Khoa Design. Hình phải: Một góc tác phẩm và không gian trưng bày triển lãm.

Được sự quan tâm và khuyến khích của lãnh đạo nhà trường, Lễ hội truyền thống Khoa Design diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 12 hàng năm đã tạo được dấu ấn và kỉ niệm đẹp đối với nhiều thế hệ sinh viên Khoa Design. 13 kì lễ hội là 13 cột mốc đáng nhớ của Thầy và trò, của các hoạt động chào đón khóa sinh viên mới nhập học đầy sáng tạo và đậm chất sinh viên, của các hoạt động kết nối, giao lưu với các đàn anh sinh viên ra trường lập nghiệp thành công và quay về mái nhà Design, là dịp sinh viên các lớp thuộc các chuyên ngành khác nhau cùng hát chung một bài, cùng thể hiện tinh thần trẻ trung, sôi nổi trong đêm văn nghệ giao lưu, cùng ghi nhận các thành tích và cống hiến của sinh viên tiêu biểu, tất cả hòa trong không khí háo hức chào đón một Mùa Mới – một năm học mới.

Logo 13 mùa Lễ hội truyền thống Khoa Design

Sau 2 năm bị gián đoạn vì dịch Covid, hoạt động các câu lạc bộ Khoa Design bắt đầu khởi động lại những kế hoạch còn dang dở và Khoa chuẩn bị thành lập thêm câu lạc bộ D2U để đáp ứng nhu cầu của sinh viên trong tình hình mới. Nhiều ý tưởng ấp ủ của giảng viên và sinh viên, nhiều mối quan hệ hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhu cầu cộng tác để thử nghiệm cái mới, phát triển sản phẩm, thông qua các câu lạc bộ sẽ có điều kiện sớm trở thành hiện thực. Hoạt động giao lưu, tạo sân chơi lành mạnh cho sinh viên có cùng sở thích đã trở thành điểm tựa cho các bạn trong suốt quá trình theo đuổi đam mê của mình tại Khoa Design.
Cũng chính từ hoạt động các câu lạc bộ, nhiều sinh viên khoa Design đã tích cực tham gia và đạt các giải thưởng cao từ các cuộc thi thiết kế trong nước và quốc tế, ở các lĩnh vực: Thiết kế Furniture, Thiết kế nội thất, Thiết kế tạo dáng sản phẩm công nghiệp, Thiết kế Thời trang và các cuộc thi sáng tạo…. Tiêu biểu như sinh viên Đặng Thị Thu Hương (chuyên ngành Tạo dáng) đạt giải nhất với Đồ án thiết kế bộ trang sức lấy cảm hứng từ làng biên – do VDAS: Hiệp hội thiết kế Tp Hồ Chí Minh tổ chức quy mô toàn quốc năm 2021.
Với Interior Student Awards – I.S.A: giải thưởng Sinh viên nội thất Việt nam 2021, ngành Thiết kế Nội thất – Khoa Design có 3 sinh viên lọt vào top 50 bài xuất sắc toàn quốc: Sinh viên Nguyễn Thị Anh Thư với đề tài: Thiết kế nội thất Nhà sách Nhã Nam, sinh viên Nguyễn Hoàng Anh Thư với đề tài: Thiết kế Nội thất khách sạn Lux Sài Gòn, sinh viên Nguyễn Mỹ Linh với đề tài: Thiết kế nội thất Trung tâm triển lãm nghệ thuật Ghibli Studio.
Một cuộc thi có sự kết hợp ấn tượng giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật và công nghệ: Ô Tik tok Face Art do L’OFFICIEL Vietnam tổ chức, sinh viên Nguyễn Thị Thanh Trúc – chuyên ngành thiết kế Thời trang khoa Design lọt vào top 10 tác phẩm trình diễn xuất sắc, đến nay (tháng 9/2022) là top 6 và Trúc đang tiếp tục các vòng thi để đi đến kết quả chung cuộc cao nhất của giải.

 

          CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP VÀ THỰC HÀNH

Sinh viên Khoa Design sau khi tốt nghiệp có kiến thức về Mỹ thuật, thẩm mỹ, nghệ thuật hỗ trợ cho việc phát triển ý tưởng và tư duy sáng tạo trong thiết kế, có kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, liên ngành, có kỹ năng diễn họa bằng tay, bằng máy tính hoặc mô hình để trình bày ý tưởng. Sinh viên ra trường nắm được phương pháp xây dựng quy trình thiết kế và đảm nhận tốt các khâu trong quy trình thiết kế chuyên ngành mà mình đã được học.

Sinh viên năm 4: Hà kiều Oanh, lớp D18-TK2 chuyên ngành thiết kế Thời trang – là 1 trong 7 Nhà thiết kế trẻ được chọn lọc để tham gia trình diễn Fashion Voyage Designer 2021 – Chủ đề Chasing The Sun

Với từng chuyên ngành đào tạo, Sinh viên sau khi ra trường trở thành các nhà thiết kế làm việc trong các lĩnh vực Kiến trúc Nội thất, Đồ họa, Tạo dáng sản phẩm và Thời trang, mặt khác, với khát vọng lập nghiệp và cống hiến – đặc trưng văn hóa Design – STU, sinh viên ra trường có thể khởi nghiệp trong chính chuyên ngành được đào tạo hoặc các ngành liên quan, phát triển hoạt động kinh doanh, dịch vụ, văn hóa – nghệ thuật.

 

          LỜI KẾT

Mười lăm năm hình thành và phát triển, với bao khó khăn và thay đổi, tập thể cán bộ giảng viên, nhân viên Khoa Design vẫn nỗ lực từng ngày, vượt qua thử thách để đạt được một số kết quả như ngày hôm nay. Nhìn những em sinh viên bước đầu gặt hái được thành công với nghề ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và những thế hệ sinh viên ra trường trở thành các nhà thiết kế trẻ triển vọng, hoặc theo hướng thành lập và điều hành các doanh nghiệp thiết kế thi công, rồi quay lại mái nhà Design STU để tài trợ, giúp đỡ đàn em… Đó là niềm tự hào, niềm vui lớn giúp các giảng viên Khoa Design thêm yêu nghề, thêm gắn bó và tận tâm với sự nghiệp “trồng người” thiêng liêng mà mình đã lựa chọn.

Dự kiến trong mười năm tới, thị trường việc làm ngày càng năng động, đặc biệt trong lĩnh vực Design, công nghệ thay đổi từng ngày kéo theo sự kết hợp giữa Nghệ thuật và Kỹ thuật ngày càng đa dạng và phong phú. Với định hướng phát triển bền vững, trở thành cơ sở đào tạo Design có chất lượng và uy tín, có bản sắc riêng trong vô số các cơ sở cùng ngành, Khoa Design Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn quyết tâm Đổi mới Sáng tạo, đổi mới từ chính từng nhân sự trong khoa, đổi mới môi trường học tập và làm việc thêm gắn kết, đổi mới phương pháp giảng dạy thêm sáng tạo, trao quyền cho Giảng viên để trở thành những người định hướng, dẫn dắt tận tâm; trao quyền cho sinh viên để rèn luyện trở thành những nhà thiết kế kiến tạo, góp phần làm đẹp và thay đổi tích cực cho xã hội.